© Reuters Theo Dong Hai
AiVIF.com – Thị trường Việt Nam khởi động ngày mới với 3 thông tin chính: Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn, các dự án giao thông tại Hà Nội sắp được rót vốn triển khai và dệt may lo đứt gãy chuỗi cung ứng 3 tháng cuối năm… Dưới đây là nội dung chi tiết 3 tin tức mới trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 6/10.
1. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn
Ngày 5/10, trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến ở Đại học Bocconi (Italy) trước thềm hội nghị thường niên mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn mức dự báo 6% trước đó, do đà phục hồi đang gặp nhiều rủi ro vì phân phối vaccine không đồng đều và những lo ngại lạm phát trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bà bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp cận với vaccine và các chính sách ứng phó miễn cưỡng, nhất là tại các nước có thu nhập thấp. Đồng thời, kêu gọi các nước giàu tăng phân phối vaccine đến các nước nghèo, dỡ bỏ các hạn chế thương mại và tăng quỹ hỗ trợ cho hoạt động xét nghiệm, truy vết và điều trị Covid-19, đồng thời cảnh báo nếu không thể thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo hơn thì sẽ kìm hãm đà phục hồi và có thể khiến GDP toàn cầu mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới.
Ngoài ra, các nước nghèo cũng sẽ phải chịu gánh nặng của giá lương thực toàn cầu tăng (con số này đã hơn 30% trong năm ngoái) và giá năng lượng tăng. IMF cho rằng các sức ép giá sẽ giảm ở hầu hết các nước vào năm 2022, nhưng nhiều khả năng sẽ kéo dài tại các nước đang phát triển và mới nổi.
IMF ước tính nợ công toàn cầu đã tăng lên mức gần 100% GDP toàn cầu, chủ yếu vì các biện pháp ứng phó tài chính lớn đối với cuộc khủng hoảng y tế công cộng trong khi sản lượng và thu nhập giảm do dịch. Thực tế này cũng đồng nghĩa với việc nhiều nước đang phát triển có rất ít khả năng vay nợ mới với các điều kiện thuận lợi.
Tổng Giám đốc IMF cũng kêu gọi các nước cần thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo thay đổi công nghệ và tăng tính bao trùm bởi chính các nỗ lực này cũng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. Bà cho biết chuyển sang năng lượng tái tạo, các mạng lưới điện năng mới, sử dụng năng lượng hiệu quả, và giảm CO2 có thể tăng GDP toàn cầu khoảng 2% trong thập kỷ này và tạo ra 30 triệu việc làm mới.
2. Các dự án giao thông tại Hà Nội sắp được rót vốn triển khai
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội dự kiến sẽ khởi công mới 12 công trình giao thông trọng điểm gồm các tuyến đường vành đai, cầu vượt sông Hồng, các tuyến đường sắt đô thị,... với tổng vốn đầu tư khoảng 170.852 tỷ đồng.
- Quốc lộ 6 qua địa bàn Hà Nội đoạn Ba La - Xuân Mai là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía tây Thủ đô, kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, có chiều dài 23,1 km, vốn đầu tư 8.113 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2027. Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có Tờ trình gửi UBND thành phố thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.
- Tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 5,5 km, đi qua địa bàn huyện Thạch Thất, dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026.
- Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. Đây là tuyến vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận. Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Hội. Chiều dài toàn tuyến là 98 km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km). Đoạn đi qua Hà Nội nằm trên địa phận các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 135.000 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp giao cho Hà Nội là 20.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025.
- Đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 có chiều dài 3,8 km, vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long có vốn đầu tư 2.624 tỷ đồng. Đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến Pháp - Vân Cầu Giẽ, qua địa phận quận Hà Đông có chiều dài 10,8 km, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng. Công trình dự kiến được xây dựng và hoàn thành từ năm 2022 đến 2026.
- Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Đầm Hồng - Kim Đồng - Lĩnh Nam. Tuyến đường này được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng. Dự kiến, trong giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội sẽ triển khai thi công đoạn từ đường Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng, dài 1,5 km, vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra theo kế hoạch, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chỉnh trang, mở rộng đường Hoàng Đạo Thúy, trục Khương Đình, Định Công trên tuyến vành đai này.
- Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 6/2018. Tuyến đường có chiều dài 7,5 km, vốn đầu tư khoảng 2.824 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026.
- Dự án nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long – Hà Đông có chiều dài 4,77 km, vốn đầu tư 2.823 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.
- Tuyến đường từ vành đai 3 đến đường nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến KCN Nam Thăng Long dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng.
Hiện nay, Hà Nội đã có 8 cầu qua sông Hồng gồm cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên và Văn Lang. Đầu năm nay, thành phố đã khởi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Công trình được xây dựng song song và cách cầu Vĩnh Tuy 1 khoảng 21,25 m về phía hạ lưu sông Hồng. Giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc.
- Cầu Thượng Cát nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm. Công trình có chiều dài 4,5 km, vốn đầu tư 9.898 tỷ đồng.
- Cầu Vân Phúc nối huyện Phúc Thọ, Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài 4 km, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt vào năm 2011, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.
- Giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng tiếp tuyến số 3, đoạn đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài 12,5 km, trong đó, đi trên cao 8,5 km và đi ngầm 4 km. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.
- Tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) dài khoảng 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi), khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), tuyến số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình. Đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội "tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh – Láng - Hòa Lạc".
3. Dệt may lo đứt gãy chuỗi cung ứng 3 tháng cuối năm
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đầu năm đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 nhưng giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019.
Hiệp hội nhận định 3 tháng cuối năm, ngành sẽ phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
- Kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10, Vitas dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 37,5-38 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, còn địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 36-36,5 tỷ USD.
- Kịch bản tiêu cực, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5-34 tỷ USD nếu không kiểm soát được dịch bệnh.
Thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng 35-37%. Mặc dù TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần mở cửa trở lại trong tháng 10, vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Chưa kể đến việc nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là rào cản trong việc tìm nguồn lao động thay thế.
Hiệp hội cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch song hành cùng phương án sản xuất bảo đảm mục tiêu "sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế". Các doanh nghiệp sẽ phải tìm mọi cách để chuỗi cung ứng ngành dệt may không bị đứt gãy. Cùng hỗ trợ nhau thực hiện đơn hàng dang dở. Làm việc với khách hàng để khách chia sẻ khó khăn, chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác.
Về thị trường dệt may năm 2022, đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex (HN: